Search by category:
Tin tức

Lăng Bà Vú – Khánh Hòa

Đến địa danh Lăng Bà Vú Có các bạn có thể sử dụng mọi phương tiện đường bộ để đi  một cách thuận lợi. Từ Ngã Ba Trong trên Quốc lộ 1A rẽ trái theo đường Trần Quý Cáp rồi rẽ phải vào đường Nguyễn Trường Tộ, đi thêm khoảng 500m nữa tiếp tục rẽ phải là tới Lăng.

1. Lịch sử lăng Bà Vú

Lăng Bà Vú hình thành gắn liền với câu chuyện của vua Gia Long trong những ngày khởi nghiệp.

Tương truyền rằng: khi giao tranh với quân Tây Sơn, bị thất bại Nguyễn Ánh đã kéo quân bỏ chạy. Khi đến làng Mỹ Hiệp thì lương thực cạn kiệt, trong mình lại đang bị bệnh nên tình thế khá nguy khốn. Trong đêm tối, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng đến gõ cửa nhà một người dân để xin bát cơm đỡ dạ. Chủ nhà (tương truyền là bà Trương Thị Tiềm) là một bà lão có dáng người phúc hậu ra mở cửa. Thấy cảnh hoạn nạn, bà cụ động lòng trắc ấn mời Nguyễn Ánh và đám tùy tùng vào nhà nghỉ ngơi. Bà cho người giết heo làm thịt, nấu cơm đãi mọi người một bữa no nê và cung cấp thêm lương khô để đi đường. Bà còn chăm sóc thuốc men chu đáo và cho người vắt sữa bò cho Nguyễn Ánh uống và mang theo đi đường. Nhờ sự săn sóc tận tình và đối đãi tử tế ấy mà Nguyễn Ánh sớm lành bệnh, tướng sĩ dần dần hồi sức. Sauđó, bà chỉ đường cho Nguyễn Ánh tiếp tục kéo quân thoát thân về phương Nam.

Sau nhiều năm bôn ba chinh chiến, Nguyễn Ánh đã thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế và lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn người cứu giúp năm xưa, nhà vua sai người về làng Mỹ Hiệp để đưa bà cụ ra kinh đô tạ ơn. Tuy nhiên, khi sứ giả đến nơi thì bà cụ đã qua đời. Để tỏ lòng tri ân nhà vua truy phong cho bà danh hiệu “Nhũ Mẫu” (người Vú nuôi). Đồng thời truyền cho Bộ Công cử một số thợ giỏi đang xây dựng cung điện nhà vua vào tận nơi, phối hợp với thợ địa phương để xây lăng mộ theo quy cách lăng mộ của hoàng tộc. Khu lăng mộ được xây dựng trong hai năm, đến năm 1804 thì hoàn thành. Buổi lễ khánh thành được tổ chức cúng long trọng và do quan đầu tỉnh trực tiếp làm chủ tế.

Nhà vua còn cấp một số ruộng cho dân trong vùng cày cấy, không phải nộp thuế để lo nhang khói vào ngày mất của Bà (tương truyền là ngày 16 tháng Chạp). Từ đó, hàng năm đến ngày kỵ của Bà, chức sắc và dân làng tập trung về làm lễ rất trọng thể, đủ lễ nhạc uy nghi như các lăng tẩm ở triều đình. Việc nhang khói, cúng tế ở Lăng Bà Vú vẫn do quan Tuần vũ Khánh Hòa đến làm chủ lễ theo lệ Xuân Thu nhị kỳ. Mọi người từ các nơi đổ về tổ chức lễ cúng giỗ rất trọng thể, tôn nghiêm với tấm lòng thành kính.

Trong tâm thức của người dân, luôn xem Bà như người Mẹ. Năm nào làm ăn được mùa, phát đạt thì nhân dân sắm sửa lễ vật để cúng lớn, năm nào làm ăn không thuận lợi thì cúng nhỏ. Vì mang tính chất như trong gia đình nên nghi thức cúng tại Lăng Bà Vú như cúng giỗ người nhà đã quá cố, chứng tỏ người được thờ phụng tại Lăng Bà Vú đã ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của nhân dân. Người đến cúng bái tại Lăng Bà, ngoài việc tưởng nhớ đến người phụ nữ giàu lòng thương người mà còn thể hiện sự yêu quý đối với Bà và cầu mong Bà hiển linh cứu giúp dân lành.

Lăng Bà Vú còn là hình ảnh thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa của người Việt. Ý văn trong các bài cúng tại lăng cũng thể hiện rất rõ điều đó.

“… Kính nghĩ rằng:

Nhũ mẫu (là người) công cả mở mang ruộng đất đức dày gây dựng xóm làng.

Mộ nấm có từ xa xưa, sự nghiệp vun bồi còn mậu thạnh.

Ơn người từ thuở trước, lăng miếu còn đây vẫn huy hoàng.

Dân cư nhà cửa xóm làng, hào lão khỏe tráng đinh hùng mạnh.

Canh tác mùa màng thuận lợi, nhà nông vui binh sĩ vẻ vang.

Hợp tác xã công thương tiến bộ, trai thanh niên trí thức mở mang.

Ơn đức ấy biết lấy chi đền, hằng năm thường thành tâm tưởng nhớ”.

2. Công trình kiến trúc lăng Bà vú

Lăng Bà Vú là công trình kiến trúc kiểu lăng mộ của hoàng tộc, được xây dựng sớm nhất của triều Nguyễn và duy nhất còn lại khá nguyên vẹn trên vùng đất Khánh Hòa. Lăng tọa lạc trên khoảng đất rộng chừng 1.400 m2, kiến trúc theo hình chữ “Quốc”. Phía trước lăng có một khoảng đất trồng hoa và một hồ nước hình chữ nhật. Phía sau lăng nguyên trước đây có một hòn giả sơn đắp bằng đất (nhưng nay đã không còn).

Lăng chính gồm 3 lớp tường thành:

Lớp thứ nhất (La Thành): bao bọc bên ngoài, hình chữ nhật, có cửa ra vào. Trên đỉnh đắp 2 con Lân rất sống động. Hai mặt bên của cổng đắp hai chữ “Phúc

Lớp thứ hai (Bửu Thành): hình chữ nhật, có cửa mở về phía Đông. Trên cổng ở hai bên cũng đắp 2 con Lân, trong ngoài mặt Bửu Thành chia ô hộc đắp hoa văn cảnh tích.

Lớp thứ ba (Uynh Thành) là vòng trong cùng bao bọc phần mộ, có hình thuyền. Thành được tạo dáng giống như hai con Lân quấn đuôi vào với nhau, hai đầu nằm trên cổng. Thân tường chia hộc, đắp cảnh tích.

Ngoài ba lớp tường thành còn có các thành phần kiến trúc khác:

Án phong nằm ngay sau cửa La Thành. Mặt trước để trơn, mặt sau đắp hoa văn.

Bệ bia nằm giữa cửa Uynh Thành, các mặt đều được đắp hoa văn, cảnh tích. Thân bia bằng đá sa thạch đã bị mất hết văn tự.

Mộ được xây sau bệ bia, bằng bê tông, hình chữ nhật; gồm 2 lớp giật nhẹ lên trên. Phía sau mộ, trên La Thành là Ngai, ở giữa đắp hình cuốn thư, chính giữa là “Song Phượng triều nghi

Các họa tiết trang trí dàn trải trong từng vòng thành bao bọc khu lăng mộ. Đề tài phỏng theo những cảnh tích cổ trong Nhị thập tứ hiếu, Sơn thủy tùng định, Bát tiên, Tùng Lộc, Dương liễu, Song Phụng triều nghi, Cúc Trĩ, Liên Trĩ, Trúc Kê, Mai Hạc, Thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh… Các cảnh tích này thể hiện lối sống thanh tao, trong sáng, minh bạch của người quân tử; đạo nghĩa làm người, sống trọn đời vì đạo vì đời…

Ngoài các hoa văn họa tiết được trang trí còn có một bức văn bia, trên có văn tự ghi rõ công đức của người nằm trong Lăng mộ.

Lăng Bà Vú được xây dựng đầu triều Nguyễn, là một công trình kiến trúc lăng tẩm chứa đựng đầy đủ những yếu tố lịch sử – văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật, nhất là về mỹ thuật.

Nghệ thuật trang trí ở Lăng Bà Vú đã đạt đến sự hoàn chỉnh từ tổng thể đến từng chi tiết. Đường nét và mảng khối thể hiện thống nhất, chặt chẽ, tạo nên không gian thanh thoát. Các nghệ nhân đã khéo sử dụng hình thể, đường nét hài hòa cân đối làm nên hiệu quả thẩm mỹ và đem lại cảm giác ấm cúng cho khu lăng mộ.

Nghệ thuật trang trí lăng mộ ở Lăng chứa đựng ý nghĩa văn hóa và giá trị nhân văn rất lớn, gợi nên phong cách nghệ thuật trang trí Việt Nam thế kỷ XIX. Đây là công trình lăng tẩm có giá trị nghệ thuật cao và quý hiếm, hiện còn lại duy nhất và khá nguyên vẹn ở Khánh Hòa.

Chính vì vậy, vào năm 1999 Lăng Bà Vú đã được Nhà nước quyết định xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Đến với Lăng Bà, du khách sẽ được tìm hiểu kỹ hơn về đạo lý “uống nước nhớ nguồn – ăn quả nhớ người trồng cây” và chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm được tạo dựng bởi sự tài hoa của các nghệ nhân dưới triều nhà Nguyễn cách đây hơn hai thế kỷ.

Bản đồ: 

Nhóm loại:


Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn paragonhotel.com.vn. Xin cảm ơn!
Copyright © 2022 - 2024 | paragonhotel.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status