Search by category:
Tin tức

Miếu Trịnh Phong – Khánh Hòa

1. Lịch sử miếu Trịnh Phong

Miếu được xây dựng năm 1886, ban đầu chỉ là một ngôi miếu Âm hồn.. Câu chuyện khởi nguồn về ngôi miếu linh thiêng này bắt đầu từ một truyền thuyết mang đậm màu sắc bi tráng về người anh hùng Trịnh Phong được lưu truyền lại như sau:

“Vào một buổi chiểu tà, bà Trần Thị Đãi ở ấp Phật Tỉnh, làng Phủ Ân đi qua cây Dầu Đôi. Bỗng bà hốt hoảng la thất thanh khi phát hiện thấy một túi vải đựng đầu người treo trên cây duối. Mọi người trong ấp không biết người xấu số là ai, nhưng động lòng thương xót, nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận ” bèn đem chôn cất tử tế. Từ đó, bà Trần Thị Đãi xin làng lập am để thờ.

Một thời gian khá lâu sau, hầu như không ai còn nhớ đên câu chuyện đó nữa, vào một buổi sáng đẹp trời, bỗng có một người đàn ông đang cày ruộng thì bị “nhập đông”. Ông ta chạy một mạch đến gốc cây Dầu Đôi, tự xưng mình là Trịnh Phong, bị kẻ thù sát hại bêu đầu, được bà con chôn cất, lập am thờ cúng, nay xin có lòng cảm tạ. Nói xong người đàn ông ngất đi hồi lâu, khi tỉnh lại, người đó không biêt tại sao mình lại nằm ngay dưới gốc cây Dầu Đôi và cũng không rõ là mình nói những gì 

Từ câu chuyện truyền kỳ trên, nhân dân quanh vùng tin rằng cái đầu trong túi vải treo trên cây duối năm xưa chính là đầu của Trịnh Phong. Từ đó, am nhỏ bên cây Dầu Đôi được nhân dân kín đáo truyền gọi là Miếu Trịnh Phong.

Trịnh Phong sinh ra ở làng Phú Vinh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương (nay là thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang). Thuở nhỏ, ông là người thông minh, học giỏi. Năm 1864, ông thi đậu cử nhân võ, được triều đình nhà Nguyễn phong đến chức Đề đốc, nhậm chức tại Quảng Nam.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào cửa biển Đà Nằng và mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược trên khắp nước ta. Sau đó không bao lâu, chúng đã chiếm được Lục tỉnh Nam Kỳ và tham vọng chiếm luôn cả vùng đất thuộc quyền quản lý của nhà Nguyễn. Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trong khi triều đình chia làm hai phe: chủ chiến và chủ hòa. Trịnh Phong từ quan, trở về quê hương nung nấu ý chí, chờ đợi thời cơ đánh đuổi quân xâm lược.

Năm 1885, hưởng ứng Chiếu cần Vương, Trịnh Phong đã cùng các ông Quản trấn Lê Nghị, Tổng trấn Trần Đường, Tham tán Phạm Chánh, Tán tương quân vụ Nguyễn Khanh, Tham tán Nguyễn Dị, Kiểm biện Nguyễn Lương, Hiệp trấn Nguyễn Sum, Nhiếp binh Phạm Long, Tú tài Nguyễn Trung Mưu là những thân hào nhân sĩ uy tín ở Khánh Hòa đứng lên thành lập “Bình Tây cứu quốc đoàn” với khẩu hiệu: “Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn; Hưng binh ứng nghĩa phục giang san”, kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân, đóng góp lương thực, luyện tập binh sĩ, đúc rèn vũ khí sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Theo báo cáo của viên công sứ Pháp Aymonier gửi Thống đốc Nam Kỳ “… ở Khánh Hòa có quan nổi loạn đã làm chủ toàn tỉnh và đang tập hợp nhân dân thành các đội quân bảo vệ xóm làng, giữ gìn trật tự… ”

Do tài trí và đức độ hơn người, Trịnh Phong được nghĩa quân và nhân dân suy tôn làm Bình Tây đại tướng, thống lĩnh nghĩa quân.

Dựa vào địa hình giáp biển và núi non chia cắt tạo nên thế hiểm trở, Trịnh Phong thiết lập một hệ thống phòng thủ dọc bờ biển ở Nha Trang, Rọ Tượng, Hòn Khói, Tu Bông, sẵn sàng đánh bật các cuộc đổ quân từ biển của Pháp. Trước khí thế của nghĩa quân, nhất là uy tín của Trịnh Phong và các thủ lĩnh, nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, quan lại đầu tỉnh đang trấn nhậm trong Thành Diên Khánh đã chủ động giao Thành và quyền binh lại cho nghĩa quân cai quản, Thành Diên Khánh trở thành Tổng hành dinh của nghĩa quân.

Phong trào “Cần Vương” ở Khánh Hòa do Trịnh Phong đứng đầu đã được các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ, nhất là về lương thực, thực phẩm, vận động thanh niên tham gia nghĩa quân.

Tháng 8/1885 quân Pháp đổ bộ lên cửa sông Cù Huân (Nha Trang), Trịnh Phong trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chặn đánh Pháp tại cửa sông Cù Huân, Hòn Thơm, Hòn Đá Lố… Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo và thông thuộc địa hình, lại được nhân dân hết lòng che chở, nghĩa quân đã mưu trí dụ địch vào sâu rồi thực hiện lôi đánh du kích, chia cắt, phân tán đội hình, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Bằng tinh thần mưu trí, dũng cảm, nghĩa quân đã đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch. Trong thời gian đầu, nghĩa quân bảo toàn lực lượng, liên tiêp đánh thắng ở các nơi: Bá Hà (Hòn Khói – Ninh Hòa), giải vây Thành Diên Khánh, bức rút đồn binh duy nhất của Pháp tại Hòn Khói. Tháng 12 năm 1885, nghĩa quân cần Vương Khánh Hòa phối hợp với nghĩa quân các tỉnh Nam – Trung Bộ đánh chiếm lại Thành Diên Khánh và làm chủ phần lớn tỉnh Khánh Hòa.

Sau nhiều lần bị thất bại nặng nề, quân Pháp đã có những điều chỉnh về chiến lược, chúng đã mở nhiều cuộc tấn công lớn, điên cuồng tàn sát nghĩa quân, dìm phong trào trong bể máu và chiếm được một số vị trí quan trọng; trong đó, có thành Diên Khánh. Trước thế mạnh của địch, Trịnh Phong cho rút quân ra phía Bắc Khánh Hòa, xây dựng căn cứ Thùng Bà Nùi, Hòn Hèo. Khi quân Pháp đánh chiếm Hòn Khói, nghĩa quân rút lên căn cứ tổ chức phòng thủ.

Phong trào của nghĩa quân ngày càng suy yếu, lãnh đạo phong trào như: Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Phạm Long, Nguyễn Sum bị địch giết hại. Hàng trăm tướng lĩnh và nghĩa quân bị kẻ thù giam cầm.

Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa tuy bị dập tắt, nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường bất khuất đã để lại trong lòng nhân dân Khánh Hòa một tình cảm đặc biệt sâu sắc. Nhân dân đã suy tôn ba thủ lĩnh của phong trào Cần Vương tại Khánh Hòa là Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh danh hiệu “Khánh Hòa tam kiệt”.

Vào thời điểm Trịnh Phong bị quân thù sát hại và một thời gian dài sau đó, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách cai trị rất khắc nghiệt; do vậy, không ai dám công khai chôn cất và lập am, miếu, thờ cúng những người đã ngã xuống vì nghĩa lớn dân tộc, nhất là lãnh tụ các phong trào; đó là điều dễ hiểu. Riêng về Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, việc nhân dân thông qua những câu chuyện truyền kỳ nhằm che giấu chính quyền thực dân, hợp thức hóa am, miếu để thờ người anh hùng là một cách làm sáng tạo để tỏ lòng thương tiêc, tri ân những người có công với nước – là một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Miếu được vua Thành Thái thứ 13 (1901) ban tặng sắc phong cho “Đại Đức Khôi Tinh .Sau đó, vào đời vua Khải Định thứ 9 (1924) tiếp tục phong tặng sắc phong Dực Báo Trung Hung Linh Phò Thuần Chính.

Trong dân gian lại còn truyền khẩu câu chuyện khác rất cảm động liên quan đến ngôi miếu linh thiêng thờ người anh hùng: Khi Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong thất trận, bị kẻ thù sát hại, chém đầu ở Ninh Hòa và giao cho Tuần vũ Khánh Hòa ở Thành Diên Khánh bêu đầu bên cầu Sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp) để thị uy, răn đe dân chúng. Khi ấy, bà Trịnh Thị Xuyến, cháu của Trịnh Phong (người từng theo hầu ông trong suốt thời gian lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp) đã bí mật lấy thủ cấp của ông mang về quê ở Phú Vinh chôn cất. Trên đường đi, bà bị theo dõi. Sợ kẻ thù phát hiện, bà vội vàng treo cái túi vải có đựng thủ cấp của Trịnh Phong lên bụi duối bên cạnh cây Dầu Đôi. Hôm sau, bà Trần Thị Đãi phái hiện ra cái túi này và xin phép lập am thờ cúng như đã nói ở trên.

Ngoài ra, còn có một câu chuyện khác không kém phần ly kỳ: thời kỳ Pháp thuộc, tại Khánh Hòa có thành lập Viện Pasteur ở Nha Trang và Viện Vacxin ở Suối Dầu đế nghiên cứu, chế tạo các loại vacxin và thuốc chữa bệnh cho người. Vào một ngày nọ, các nhà khoa học đưa chuột bạch thí nghiệm từ Viện Vacxin Suối Dầu về Viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu. Khi đi ngang qua Cây Dầu Đôi, một số chuột sổng ra, chạy vào vùng dân cư; sau đó gây bệnh cho nhân dân vùng này. Bệnh dịch lan rộng, làm chết nhiều người mà không có thuốc gì chữa trị được. Dân làng cử các bô lão uy tín lập đàn cúng tế tại Cây Dầu Đôi suốt ngày đêm. Sau mỗi canh giờ trong buổi lễ, trước sau có 4 người “lên đồng”. Tuy không hề biết chữ Hán nhưng họ đã viết lên khay gạo thứ tự 4 chữ “Đại”, “Đức”, “Khôi”, “Tinh”. Những ai chứng kiến buổi lễ đều cho rằng đã được thần linh ứng nghiệm, phù hộ. Sau một thời gian ngắn, bệnh dịch không còn hoành hành như trước và chăng bao lâu sau thì hết hẳn. Chính sự việc này nhân dân vùng Phú Ân Nam càng tin Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong đã hiển linh phù hộ dân làng tai qua nạn khỏi. Từ đó, trong Miếu đề chữ thần để thờ và lấy hiệu của Miếu là “Vạn An miếu” —miếu đem lại an bình mãi mãi.

2. Công trình miếu Trịnh Phong

Trải qua thời gian, miếu đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Năm 2003, miếu Trịnh Phong đã được đầu tư kinh phí trùng tu để có diện mạo khang trang như hiện nay. Khu di tích Miếu Trịnh Phong có diện tích khoảng gần 650m2.

Nghi môn được chạm cặp câu đối:

Võ kiếm cung thao lược, bình giặc Tây thăng lên làm đại tướng.

Văn kỉnh sử trí tri, tỉnh Khánh Hòa xuất hiện bậc trung thần, (dịch)

Qua sân Miếu là Tiền tế và Chánh điện.

Tiền tế nền lát gạch Bát Tràng, có 4 mái. Đỉnh mái đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, lợp ngói âm dương. Tiền tế đặt 01 ban thờ gỗ đơn giản, lối kiến trúc cổ kính mà uy nghiêm.

Chánh điện treo 01 bức hoành phi chữ Hán “Vạn An miếu”. Cửa gỗ thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản. Chính giữa đặt bàn thờ, phía sau là khám thờ được chạm trổ rất tỉ mỉ, viết chữ Thần Tại chánh điện, treo cặp liễn đối ca ngợi công đức của thần:

Dân được trợ giúp là nhờ công thần linh thiêng rực rỡ,

Được vinh hoa ấy bởi tự điển thơm hương.

Bên ngoài di tích có cây Dầu Đôi đã vài trăm năm tuổi, cây gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương nên nhân dân thường gọi miếu là Miếu Cây Dầu Đôi.

Miếu hiện còn lưu được 2 đạo sắc phong cùng với kiến trúc, điêu khắc tinh tế. Hàng năm, miếu được tổ chức cúng, Xuân vào ngày 16 tháng Ba âm lịch, 3 năm cúng đại lễ một lần.

Di tích là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử của phong trào Cần Vương chống Pháp. Vì vậy, năm 1991 Nhà nước đã quyết định xếp hạng Miếu Trịnh Phong là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Bản đồ: 

Nhóm loại:

Đánh giá: 

Average: 5 (1 vote)


Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn paragonhotel.com.vn. Xin cảm ơn!
Copyright © 2022 - 2024 | paragonhotel.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status